Xuất bản thông tin

null Chủ động phòng bệnh mùa mưa trên cây quýt hồng

Chi tiết bài viết Tin tức

Chủ động phòng bệnh mùa mưa trên cây quýt hồng

Thời điểm này đang bước vào mùa mưa, bên cạnh đảm bảo thoát nước tốt cho vườn cây thì việc phòng ngừa nấm bệnh trên cây quýt hồng cũng rất quan trọng. Quyết định đến năng suất của vườn quýt về sau.

Theo ông Nguyễn Văn Đầy, xã Long Hậu, hiện tại ông đang giữ mực nước trong vườn thấp từ 80cm đến 100cm so với mặt bờ. Ngoài ra, ông cũng giảm sử dụng phân hoá học để đảm bảo cây ít phát sinh bệnh hại.

 

Ông NGUYỄN VĂN ĐẦY, nhà vườn xã Long Hậu - huyện Lai Vung - tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trong cái mùa này cái bệnh chúng ta dễ gặp nhất là bệnh ghẻ loét, nấm vi khuẩn đó, quan trọng là chúng ta phải sử dụng những dòng thuốc chuyên ngừa các nấm bệnh như ghẻ loét, đốm mắt cua, giờ chúng ta không nhìn thấy được nếu nó bị thì chỉ nhỏ như cây kim, đến tháng 7, 8 trái to mới thấy thì chúng ta trị không kịp.”

Mùa mưa được xem là mùa phát triển bệnh hại trên cây quýt hồng, nên ngày từ đầu các nhà vườn đã có khâu chuẩn bị và phòng ngừa bệnh hại. Đối với vườn anh Phan Văn Sang, xã Long Hậu cũng vậy, trước khi mùa mưa về anh đã chủ động phun ngừa bệnh hại.

Anh PHAN VĂN SANG, nhà vườn xã Long Hậu - huyện Lai Vung - tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: “Đối với quýt hồng mà mùa mưa cũng rất đáng lo ngại, nhưng mà công tác chuẩn bị phòng bệnh ghẻ trên trái cũng được vườn thực hiện tốt nên đến thời điểm này trái quýt chưa thấy biểu hiện gì. Nếu mà mưa dầm thì mình có tạo rãnh vì nước nhiều mà mình thoát rãnh không kịp sẽ tạo ra vàng lá thối rễ, tạo điều kiện cho nấm tấn công vào cây quýt.”

Lai Vung hiện có trên 200ha quýt hồng đang cho trái và gần 60ha người dân đang trồng mới để khôi phục lại diện tích cây quýt hồng ở địa phương. Đến thời điểm này, tất cả diện tích quýt hồng đang phát triển tốt, nhà vườn rất phấn khởi./.

Phúc Hiền